Hiểu đúng về ngành game

Việt Nam là một trong những thị trường màu mỡ cho ngành game phát triển, song định kiến xã hội về game đã khiến sự phát triển nhân sự cho ngành này càng thêm khó khăn. Mới đây, đề xuất mở ngành mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành game trong trường đại học đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Game có vô bổ?

Khi nhắc tới các trò chơi trên mạng (game online), không ít người cho rằng đây là lĩnh vực không lành mạnh, tốn thời gian và vô bổ. Nhất là thời điểm hè đến, nhiều gia đình lại có chung một nỗi lo rằng con sẽ trở thành game thủ, vùi đầu vào game.

Không phải vô cớ mà nhiều phụ huynh có định kiến với game bởi thực tế đã có quá nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi trẻ nghiện game, để lại hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70-80%, trẻ em từ 10-15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiệm game chiếm khoảng 10-15%. WHO cũng công nhận chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế.

Những tác hại từ việc nghiện game đối với học sinh, sinh viên là không thể phủ nhận. Song nhìn nhận về game, ông Nguyễn Đình Sơn – chuyên gia tâm lý giáo dục, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, người có 15 năm nghiên cứu về game và các bệnh lý về game – khẳng định, bản chất của game không xấu và chơi game cũng không phải là hành vi lệch lạc nếu chơi đúng thời gian khuyến cáo.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai – Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, chơi game có thể giảm căng thẳng cho học sinh, sinh viên hay nhiều người khi phải học hoặc làm việc quá lâu, trong thời gian dài.

Bản chất của game khi ra đời chỉ đơn thuần là trò chơi điện tử mang tính giải trí cao. Tuy nhiên, game phát triển với nhiều biến tướng dẫn đến việc khó kiểm soát như hiện nay. Thực tế, ngành game có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội.

Theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), tại Việt Nam có khoảng 28,4 triệu người chơi game với 200 công ty sản xuất và phát hành. Việt Nam đang xếp thứ 5 tại Đông Nam Á với doanh thu 200 triệu USD mỗi năm. Nhờ Flappy Bird, Việt Nam đã trở thành tân binh ngành công nghiệp game và sau đó một lần nữa tỏa sáng với game nuôi thú ảo Axie Infinity.

Đề xuất game được đào tạo trong trường đại học

Với sự phát triển bùng nổ của các nền tảng, game đã trở thành một môn thể thao điện tử, có lượng khán giả lớn, lợi nhuận lớn và thu hút nhiều nhà quảng cáo. Chơi game không còn là thú chơi vô bổ nếu được đầu tư bài bản. Mặc dù vậy định kiến xã hội về game đã khiến sự phát triển nhân sự cho ngành này càng thêm khó khăn. Theo thống kê, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến quý I/2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần.

Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện chỉ có khoảng 16.500 sinh viên, chiếm gần 30% trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp cần.

Trong cuộc họp báo tháng 4 của Bộ Thông tin và Truyền thông được tổ chức mới đây, ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã một lần nữa khẳng định quan điểm của Bộ là quản lý, thúc đẩy ngành game phát triển lành mạnh. Cũng tại một sự kiện mới đây, ông Do cho biết, nhằm phát triển ngành game trong thời gian tới thì giáo dục là một trong những mục tiêu cốt lõi.

Theo đó, để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, Học viện Bưu chính Viễn thông đã đề xuất Bộ GDĐT mở ngành mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành game. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã kết nối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều trường đại học khác, để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game.

Về đề xuất trên, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo – Tổng Giám đốc của VTC, khi coi game là một ngành thì nó sẽ sinh ra nghề và lúc đó các trường đại học sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực cho ngành này. Bởi, khi đó định kiến với game của xã hội thay đổi, lúc này các phụ huynh sẽ cho con theo học ngành game và sẽ bổ sung được nguồn nhân lực đang thiếu hiện nay.

Bên cạnh đó, khi xem game là một ngành thì không chỉ các trường chuyên đào tạo về công nghệ thông tin mà còn mở rộng việc đào tạo ra cho các trường khác. Chẳng hạn, Trường Đại học Mỹ thuật sẽ đào tạo nhân lực thiết kế đồ họa cho game, hay thậm chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ đào tạo ra những người chuyên về xây dựng kịch bản, cốt truyện cho game…

Cân nhắc tên gọi khi mở ngành

Đề xuất trên nhận được sự đồng tình của nhiều người. Em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho hay: “Nếu như game được đào tạo trong trường đại học em sẽ đăng ký xét tuyển. Một phần vì thỏa mãn đam mê của em, phần vì cơ hội việc làm liên quan tới lĩnh vực này cũng khá nhiều”.

Trên thế giới hiện có nhiều trường đại học đào tạo ngành game. Khi lợi nhuận thu được từ ngành game rất lớn và nhu cầu đào tạo là có thật thì theo TS Đoàn Trung Sơn – giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikka, việc nâng tầm game thành ngành đào tạo ở trường đại học đáp ứng nhu cầu xã hội là chuyện hết sức bình thường.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia an ninh mạng, TS Đoàn Trung Sơn cho rằng, việc phát triển thị trường game chuyên nghiệp và lành mạnh sẽ góp phần loại bỏ các loại game lừa đảo, trò chơi mang tính cờ bạc. Như vậy, ngành game cần được mở rộng và đào tạo một cách chuyên nghiệp.

Đánh giá về thị trường game tại Việt Nam, ông Sơn nhìn nhận, hiện game phát triển vì lợi nhuận, và chủ yếu là gia công game cho các nước. Việc đào tạo chuyên nghiệp sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường ngay sau khi sinh viên ra trường. Trong khi đó, liên quan tới lĩnh vực game có nhiều vị trí công việc như: thiết kế game, phát triển game…, đòi hỏi nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên qua trao đổi với một số người làm trong lĩnh vực game, ông Sơn cho biết, số nguồn nhân lực khi vừa ra trường chưa thể đáp ứng được công việc liên quan tới lĩnh vực game ngay mà phải mất ít nhất một năm đào tạo sau đó thì mới làm được việc.

Từ thực tế trên, theo ông Sơn, với việc mở ngành đào tạo game ngay khi trong trường đại học, sinh viên đã có sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường để các em làm quen với công việc tương lai và có thể tham gia vào công việc ngay lập tức sau khi ra trường. Nhưng chuyên gia này nêu quan điểm, khi mở ngành đào tạo game cần xem xét các yếu tố tác động trong đó có việc lạm dụng chơi game quá mức hoặc phát triển game sai mục đích hay vi phạm các yếu tố văn hóa. Điều này có tác động rất lớn tới xã hội. Bởi xã hội hiện còn đang nhìn nhận về game dưới góc độ tiêu cực khi đã có nhiều hậu quả từ việc chơi game của giới trẻ đã được cảnh báo từ trước và thực tế còn đang tồn tại.

“Mở ngành đào tạo game đồng nghĩa với việc thúc đẩy phát triển game. Chúng ta phải nhấn mạnh và quan tâm tới những yếu tố tác động xã hội khi phát triển game một cách chuyên nghiệp trên phương diện đạo đức, văn hóa người chơi và các yếu tố khác. Đó là rào cản chính của xã hội đối với việc mở ngành. Thế nên chúng ta phải hết sức cân nhắc và chọn thời điểm phù hợp trước khi mở ngành này”, ông Sơn phân tích.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam cho rằng, không nên mở ngành game với tư cách ngành độc lập mà phải rộng hơn như công nghệ kỹ thuật phần mềm, trong đó đi vào khía cạnh hẹp hơn, sâu hơn là game.

Theo ông Khuyến, hiện nay, các trường đại học có xu thế mở thêm nhiều ngành đào tạo mới, đặt tên “kêu” nhằm thu hút người học nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”. Ông Khuyến nhắc lại thời điểm ông còn làm công tác quản lý có quy định rất rõ tên chương trình đào tạo do trường đại học quyết định còn tên ngành đào tạo phải do Bộ GDĐT quản lý.

Vì vậy, ông Khuyến nhấn mạnh: “Việc mở ngành mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành game đang là đề xuất lên Bộ GDĐT. Bộ nên cân nhắc tên gọi của ngành theo mục tiêu đào tạo, đặc trưng của sản phẩm đầu ra, từ đó quyết định tên gọi thuộc ngành đào tạo nào. Bởi cùng một ngành đào tạo có hàng ngàn chương trình đào tạo và mục đích đào tạo khác nhau”.

Theo http://daidoanket.vn/hieu-dung-ve-nganh-game-5715948.html